Kinh tế Thời_kỳ_Bắc_thuộc_lần_thứ_tư

Năm 1407, sau khi đánh bại nhà Hồ, nhà Minh đã vơ vét mang về phương Bắc 235,900 con voi, ngựa, trâu bò; thóc gạo 13,6 triệu thạch, thuyền bè 8670 chiếc, binh khí hơn 2,5 triệu chiếc[8].

Nhằm thực hiện nền thống trị lâu dài, nhà Minh không ngừng xây thành lũy, cầu cống, đường sá. Hàng chục vạn dân đinh từ 16 đến 60 tuổi phải ra các công trường với chế độ lao dịch cưỡng bức và sinh hoạt rất thiếu thốn[9].

Các công trường khai thác mỏ và mò ngọc trai cũng nhiều nhân công. Những người thợ phải làm việc trong điều kiện khắc nghiệt, nguy hiểm đến tính mạng.

Chính sách thuế khóa mà nhà Minh áp dụng với Giao Chỉ là rất nặng nề, trong đó có 2 ngạch chính là thuế ruộng đất và thuế công thương nghiệp[10]. Nhà Minh cử nhiều hoạn quan sang Việt Nam để tiến hành thu thập thuế, cống gửi về kinh đô, đồng thời vơ vét thêm chừng ấy nữa cho riêng mình.[11]. Các viên quan này tham lam đến độ chính bản thân Hoàng đế nhà Minh phải can thiệp vào việc chỉ định quan lại sang Giao Chỉ. Vua Minh Nhân Tông phải bác việc Mã Kỳ tiếp tục muốn được bổ nhiệm quản lý việc thu vàng, bạc, trầm hương, ngọc trai tại đây năm 1424.

Thuế ruộng

Do thường xuyên phải đối phó với những cuộc chống đối của người Việt, phạm vi kiểm soát ruộng đất của nhà Minh chỉ chủ yếu ở miền xung quanh Đông Quan.

Từ năm 14071413, nhà Minh không có khả năng quản lý ruộng đất, số ngạch khi tăng khi giảm không ổn định. Ruộng đất chỉ được trưng dụng một phần để ban cấp cho các thổ quan người Việt thay cho lương. Để cung ứng lương thực cho quân đội, nhà Minh không trông chờ vào nguồn tô thuế ruộng mà phải cho lính mở đồn điền tự sản xuất hoặc dùng hình thức trưng thu để vơ vét.

Năm 1414, sau khi dẹp xong nhà Hậu Trần, nhà Minh bắt dân Việt kê khai số ruộng đất trồng rau, trưng thu lương thực, tơ tằm và bắt đầu định ngạch thuế ruộng. Trên danh nghĩa thì lấy mức thu 5 thăng trên 1 mẫu như thời nhà Hồ, nhưng bắt dân tự khai khống 1 mẫu thành 3 mẫu để thu 3 phần thuế. Do đó trên thực tế mức thu cao gấp 3 lần nhà Hồ[12].

Thuế công thương nghiệp và thổ sản

Ngoài thuế ruộng, còn nhiều loại thuế thủ công nghiệpthương mại. Hàng loạt Ty Thuế khóa, Ty Hà bạc, Ty Tuần kiểm được đặt ra để tận thu.

Để tăng cường khai thác tài nguyên, năm 1415 nhà Minh tiến hành khám thu các mỏ vàng, mỏ bạc, mộ phu đãi vàng và mò trân châu. Năm 1418, nhà Minh mở trường mò ngọc trai, tìm kiếm hương liệu; bắt người Việt săn bắt những thú vật quý để nộp như rùa 9 đuôi, vượn bạc má, chồn trắng, hươu trắng, voi trắng.

Đối với nghề nấu muối và bán muối, nhà Minh nắm quyền khai thác độc quyền. Người đi đường chỉ được đem 3 bát muối và 1 lọ nước mắm.

Chính sách thuế khóa của nhà Minh làm người Việt kiệt quệ điêu đứng. Việc làm sai dịch và nộp lương liên miên khiến năm 1418 từ Diễn Châu trở vào nam không được cày cấy[13]. Tuy nhà Minh thực hiện chính sách thuế khóa nặng nề, trưng thu lương thực, nhưng các cuộc nổi dậy liên tiếp cùng tình hình loạn lạc tại Giao Chỉ khiến việc chiếm đóng của nhà Minh trở nên rất tốn kém. Lương thực thu được tại chỗ không đủ cung ứng cho số quan lại và binh lính. Từ khoảng những năm 1420, nhà Minh liên tục phải vận chuyển lương thực từ Lưỡng Quảng sang Giao Chỉ để cung cấp. Việc điều động người và của cho các đợt viễn chinh liên tục đòi hỏi cả miền nam Trung Quốc phải cung cấp, phục dịch. Năm 1424, khi khởi nghĩa Lam Sơn lớn mạnh, nhà Minh mới ra một số chính sách xoa dịu người Việt như đình chỉ khai thác vàng bạc, khoan giảm trưng thu thuế khóa…